Phú yên tìm giải pháp cấp nước sinh hoạt cho dân

Nắng nóng kéo dài khiến các sông, suối trên địa bàn tỉnh khô cạn, lượng nước mặt và nước ngầm suy giảm mạnh, tình hình hạn hán, thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra trên diện rộng. Trên địa bàn tỉnh đã có hơn 13.300 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy An và TX Sông Cầu thiếu nước trầm trọng.

 

Một giếng khoan sâu hơn 100m ở thôn Ma Giấ́y, xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) vừa hoàn thành để cấp nước cho dân - Ảnh: A.NGỌC

 

NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG THIẾU NƯỚC SINH HOẠT

 

Theo Sở NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, hiện tượng El Nino tiếp tục ảnh hưởng đến Phú Yên, thời tiết nắng nóng diễn ra gay gắt, lượng mưa trên địa bàn tỉnh rất thấp, lượng nước mặt và nước ngầm suy giảm mạnh, tình hình hạn hán, thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra trên diện rộng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 13.300 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, ở các địa phương miền núi thì không còn nguồn nước; còn ở ven biển thì tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi. Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy An và TX Sông Cầu là những địa phương đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng nhất, với hơn 11.200 hộ. Ông Ma Mộng ở thôn Ma Giấy, xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa), cho biết: Từ đầu năm đến nay, khoảng 60 hộ dân ở thôn Ma Giấy sử dụng nước sinh hoạt chủ yếu lấy từ suối Két. Nhưng do nắng hạn gay gắt nên con suối này cũng bị cạn kiệt, gia đình nào cũng cử người ra suối canh lấy nước nhưng mỗi ngày cũng chỉ lấy được khoảng 20 lít. Ông La Đoàn Năm, Trưởng thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), cho hay: Giếng nước ở trong thôn hầu hết đều khô cạn. Khoảng 400 hộ dân ở đây phải ra khu vực suối Cối đào những giếng tạm lấy nước về uống nhưng nguồn nước không đảm bảo hợp vệ sinh, còn tắm giặt thì ra sông Kỳ Lộ. Còn ông Trần Quang Hưng ở thôn Tân Hòa, xã An Hòa (huyện Tuy An), nói: Hai tháng nay, nguồn nước máy cung cấp cho dân không đủ, trong khi các giếng đào trong thôn đều khô cạn hoặc bị nhiễm mặn nên người dân phải mua nước để sử dụng. Lúc đầu, 1m3 nước chở đến nhà khoảng 60.000 đồng, nhưng hiện nay người dân phải mua với giá 100.000 đồng/m3 nước…

 

Ông Huỳnh Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã An Hòa (huyện Tuy An), cho biết: Công trình nước sinh hoạt thôn Tân Hòa, xã An Hòa sử dụng nguồn nước giếng khoan ở gần quốc lộ 1 và đưa vào sử dụng từ năm 1997, với công suất thiết kế khoảng 25m3/ngày, cấp nước cho khoảng 650 hộ dân. Tuy nhiên, đến nay công trình nước này đã xuống cấp, nguồn nước cũng không đảm bảo và số người sử dụng nước tăng cao, đến hơn 1.135 hộ. Để giải quyết tình hình trước mắt, địa phương kiến nghị tỉnh và huyện hỗ trợ kinh phí để người dân mua nước sinh hoạt. Đồng thời, tỉnh cần hỗ trợ khoan thêm giếng mới để cấp nước cho người dân thôn Tân Hòa… Còn ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã An Thọ (huyện Tuy An), cho hay: “Hiện các giếng đào trên địa bàn xã đều khô cạn. Địa phương kiến nghị tỉnh hỗ trợ khoan thêm 6 giếng ở 5 thôn trên địa bàn xã để người dân đến các giếng khoan này lấy nước, giải quyết trước mắt vấn đề nước sinh hoạt cho người dân”. Ông Sô Bá Dựng, Chủ tịch UBND xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa), cho rằng: “Giải pháp để giải quyết nước sinh hoạt trước mắt cho người dân miền núi hiện nay chỉ còn cách khoan giếng, nhưng khoan giếng trong thời điểm này sẽ không có nước hoặc nguồn nước không đảm bảo”.

 

TÌM  GIẢI PHÁP  CẤP NƯỚC SINH HOẠT CHO DÂN

 

Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: Nếu tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài, đến cuối tháng 5/2016 trên địa bàn huyện sẽ có khoảng 4.430 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, nghiêm trọng hơn là thiếu nước uống. Trước tình hình này, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương miền núi, trung du tiến hành nạo vét những giếng còn nước, đào hoặc khoan thêm giếng mới ở những nơi có điều kiện để cấp nước cho dân. Các xã đồng bằng và ven biển có nguy cơ nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn cần tăng cường vận động người dân sử dụng hệ thống lọc theo phương pháp truyền thống, đồng thời sửa chữa, cải tạo hệ thống cấp nước nông thôn tập trung tại các xã để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Trường hợp cấp bách, huyện sẽ huy động mọi nguồn lực để vận chuyển nước sạch phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân. Huyện đã kiến nghị tỉnh xem xét, cân đối từ nguồn vốn Trung ương và tỉnh hỗ trợ cho huyện Tuy An khoảng 12,5 tỉ đồng để đầu tư một số công trình cấp nước và giải quyết vấn đề cấp nước sinh hoạt trước mắt cho dân…

 

Còn tại huyện Sơn Hòa, đối với các công trình cấp nước nông thôn tập trung tại các xã đang còn hoạt động, UBND huyện Sơn Hòa đã chỉ đạo cấp nước luân phiên cho từng cụm dân cư, vận động nhân dân xây bể chứa để trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm. Đối với các địa phương, các khu dân cư thiếu nước trầm trọng, UBND huyện đã chỉ đạo cấp bách khoan giếng để phục vụ nước uống cho dân còn kinh phí sẽ xin hỗ trợ sau. “Đến nay, một số địa phương thiếu nước sinh hoạt trầm trọng đã khoan giếng sâu từ 100-160m và đã có nước phục vụ cho dân nên bà con rất phấn khởi. Huyện Sơn Hòa đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ để địa phương khoan 25 giếng ở các xã Sơn Định (4 giếng), Sơn Hội (3 giếng), Cà Lúi (3 giếng), Phước Tân (5 giếng), Krông Pa (5 giếng), Ea Chà Rang (5 giếng) với tổng kinh phí khoảng 2,5 tỉ đồng”, ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa nói.

 

Ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cho biết: “Nguồn vốn chống hạn năm 2016 khoảng 19,2 tỉ đồng đang xin Trung ương hỗ trợ; còn nguồn vốn đầu tư xây dựng các trạm cấp nước nông thôn khoảng 44 tỉ đồng nhưng để trả nợ khoảng 24 tỉ đồng, còn lại tiếp tục đầu tư các trạm cấp nước xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) và Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân). Hiện nay, nguồn vốn đầu tư vào cấp nước sạch nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia đã kết thúc, nên muốn đầu tư công trình nước tập trung chỉ có thể lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

 

Trước mắt, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã hỗ trợ 1 tỉ đồng, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh sẽ tham mưu với lãnh đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan để phân bổ số kinh phí này cho các địa phương bị thiếu nước sinh hoạt nặng. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh phối hợp với các sở, ngành đang kiểm tra, tổng hợp tình hình thực tế thiếu nước sinh hoạt hiện nay của các địa phương trên địa bàn tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo với Bộ NN-PTNT và Chính phủ có giải pháp hỗ trợ địa phương khắc phục.

 

Ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh

 

ANH NGỌC


THIẾT BỊ NHÀ BẾP HOÀNG PHÚC



LIÊN HỆ THIẾT BỊ NHÀ BẾP HOÀNG PHÚC
ĐC:17/84 Phan Đăng Lưu, P9, TP Tuy Hòa
Hotline: 0906595063 - 01676838879
Email: tubephoangphuc@gmail.com

TRANG CHỦ
www.thietbinhabephoangphuc.com